Địa điểm du lịch Nghệ An mà bạn không thể bỏ qua

12:55 SA |

Đến với Nghệ An là đến với Vùng đất địa linh nhân kiệt và những địa điểm du lịch tuyệt vời đầy thú vị 


"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, 
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ."
Qua câu ca giao trên đã miêu tả hết những vẻ đẹp trời phú của miền đất Xứ Nghệ...

Đến với Nghệ An bạn không thể bỏ qua những địa điểm du lịch tuyệt với sau đây.


QUÊ HƯƠNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Vị trí: Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Đặc điểm: Là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời và sống những năm tháng niên thiếu cùng bà con nội ngoại thân thiết.

Quê Bác Làng Sen

Làng Sen (quê nội)

Từ thành phố Vinh theo quốc lộ 46 đến cây số 13 rẽ vào con đường đất đỏ rợp bóng cây bạch đàn và phi lao, đến làng Sen, tên chữ là Kim Liên (bông sen vàng). Làng có những hồ sen hai bên đường làng. Ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống thuở nhỏ dựng bằng tre và gỗ, 5 gian, lợp tranh. Trong nhà có những đồ dùng giống như các gia đình nông dân: phản gỗ, chõng tre, cái võng gai, bàn thờ... Nhà được dựng năm 1901 do công sức và tiền của dân làng góp lại làm tặng ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông Sắc đỗ Phó Bảng - sự kiện mang lại niềm tự hào cho dân làng.

Làng Chùa (quê ngoại)

Cách làng Sen 2km, là một làng quê bình dị như bao làng quê của Việt Nam, nhưng lại nổi tiếng ở trong và ngoài nước vì đây là quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi người cất tiếng khóc chào đời và được mẹ nuôi dạy trong những năm ấu thơ.
Sau cánh cổng tre rộng mở, du khách bước giữa hai bờ mận hảo vào thăm hai ngôi nhà lợp tranh bình dị.

Ngôi nhà thờ

Ngôi nhà thờ nhỏ ba gian ở phía sau nhà ở của cụ Hoàng Đường (ông ngoại của Bác) được cụ Hoàng Đường lập ra từ năm 1881 để thờ cúng cố nội, ông nội và thân phụ. Nhà được tu sửa và lợp ngói từ 1930 như ta thấy hiên nay.
Bàn thờ được bài trí giản dị, trang nghiêm. Trên đôi quyết trước nhà thờ có đôi câu đối về uy danh của dòng họ.

Ngôi nhà cụ Hoàng Đường

Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường có 5 gian và hai chái,trong đó ba gian ngoài thông với nhà thờ rất thoáng mát. Bộ phản kê ở gian thứ nhất là nơi cụ Đường dạy học; gian thứ hai có bộ tràng kỷ bằng tre, chiếc án thư với những dụng cụ dạy học như bút lông, nghiên mực... Gian thứ ba kê bộ phản là nơi nghỉ ngơi của thày và trò. Hai gian còn lại là nơi nghỉ của cụ bà và nơi sinh hoạt chung của gia đình.


BÃI BIỂN CỬA LÒ


Vị trí: Bãi biển Cửa Lò thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An; cách thành phố Vinh 18km.

Đặc điểm: Bãi biển rộng dài, một trong những bãi tắm đẹp nhất nước, nằm giữa quần thể du lịch - văn hóa xứ Nghệ. Ở đây có nguồn hải sản phong phú, đặc biệt có mực nhảy và mực câu nổi tiếng cả nước.

Du lịch biển Cửa Lò


Theo đường ôtô từ Hà Nội vào Vinh, có thể đến Cửa Lò bằng ba con đường: đường Núi Cấm, đường thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc) và đường Quán Bánh. Nhưng ngắn nhất, thuận tiện nhất là đi theo đường rẽ tại khu vực núi Cấm (huyện Nghi Lộc), đường vừa mở, bên núi bên biển, xe chạy khoảng 30 phút. Từ phía nam xe qua cầu Bến Thủy nên vòng qua Đại học Vinh, xuống Hưng Dũng đi tắt đường Cửa Hội. Đoạn đường này "tiết kiệm" được gần 10km cho khách đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hoặc các tỉnh phía nam xa hơn.
Cửa Lò nằm giữa quần thể du lịch - văn hóa xứ Nghệ và đang tiến dần đến "công nghiệp du lịch" nhưng thị xã biển này vẫn giữ được nhiều nét "hoang sơ". Nơi tiếp giáp Cửa Hội, Cửa Lò đang hình thành khu du lịch sinh thái.
Với bãi tắm rộng dài hơn 10km, dọc đường Bình Minh (con đường rộng, thoáng nhất thị xã) được bao quanh bởi rừng phi lao bạt ngàn, rừng cây vừa chắn cát, vừa là điểm dạo chơi lý thú.

Biển Cửa Lò


Sông Lam đổ ra Cửa Hội, dòng chảy mạnh ra biển Đông theo hải lưu hướng về phía nam mang theo bao phù sa để biển Cửa Lò quanh năm trong xanh, nước biển trong vắt nhìn thấy cát, nước biển Cửa Lò không mặn chát mà vừa phải. Mùa hè, cũng là lúc gió tây nam vượt Trường Sơn đổ về, buổi sáng gió tây nam đìu hiu ru sóng biển dập dìu; chiều muộn, trước khi hoàng hôn buông xuống thì cũng là lúc gió tây ngừng thổi nhường chỗ cho gió nồm. Trong một ngày, Cửa Lò đón hai luồng gió, với hai cảm giác khác nhau. Đến Cửa Lò du khách còn được thưởng thức các loại hải sản cua, ghẹ mực với giá bình dân.

VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT


Vị trí: Thuộc địa phận 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Đặc điểm: Vườn có diện tích 91.113 ha được xem là khu vực có diện tích rừng tự nhiên rộng nhất miền Bắc Việt Nam, được nhà nước công nhận là vườn quốc gia năm 2001.

Vườn quốc gia Pù Mát được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là một trong những khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam. Pù Mát không chỉ biết đến là một khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với những cảnh đẹp vừa hùng vĩ, vừa nên thơ mà thiên nhiên ban tặng cho Nghệ An.

Rừng Quốc Gia Phù Mát


Vườn có hệ thực vật rất đa dạng và phong phú: có tới 1.513 loài thực vật bậc cao thuộc 159 họ 545 chi. Trong vườn có tới 220 loài cây thuốc quý giá như: hà thủ ô, thổ phục linh, quế, ba kích, hoài sơn... và các loài cây lấy gỗ, có trầm hương và có hơn hàng trăm loại rau, cây ăn quả các loại. Hệ động vật có 42 loài thú lớn, 20 loài thú nhỏ, 295 loài chim... Có thể kể tên một số loài như: hổ, báo hoa mai, báo gấm, heo rừng, voọc, vượn đen, gấu chó... Vườn quốc gia Pù Mát là nơi có đàn voi lớn nhất Việt Nam, các loài chim quý như: Trĩ Sao, Gà Lôi, Gà Tiêu...

Vào vườn quốc gia Pù Mát, du khách như lạc vào xứ sở của thiên đường với cây cảnh muôn loài. Trên các triền núi cao từ 1.500m trở xuống gọi là rừng lùn, nhiều nơi được coi là cảnh tiên. Cây rừng khổng lồ xen giữa những hòn non bộ, mỗi cây là kỷ vật của tạo hoá với nhiều dáng vẻ. Khu du lịch này rất thuận lợi cho sự phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá thăm và tìm hiểu phong tục tập quán của các bản dân tộc. Đến đây, du khách còn được tham dự các lễ hội tiêu biểu của vùng ưa thích loại hình du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm.

MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN


Vị trí: Mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 
Đặc điểm: Mộ bà được xây năm 1985, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 95 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mộ Bà Hoàng Thị Loan


Bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) là người mẹ Việt Nam tiêu biểu có công nuôi dạy nên những người con yêu nước, trong đó có cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ chân núi Động Tranh, lối lên phần mộ Bà nằm ở bên trái phần mộ có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm cậu Khiêm;đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc, con số 33 là tuổi đời của Bà. Phía trên mộ là dàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ Bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước.

KHU DU LỊCH NÚI QUYẾT


Vị trí: Khu du lịch núi Quyết nằm ở chân núi Quyết, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. 
Đặc điểm: Trên đường vào Nam ra Bắc qua phà Bến Thuỷ, nhìn về phía tây, có một dãy núi nhỏ, đó là rú Quyết ngút ngàn thông reo và trở thành lâm viên núi Quyết, một điểm du lịch kiểu mới của tỉnh Nghệ An.

Khu du lịch Núi Khuyết


Khu du lịch núi Quyết có diện tích gần 160ha (diện tích núi 56ha) gồm nhiều tiểu khu: khách sạn nhà nghỉ ở phía tây nam, nhìn ra bờ sông Lam là các khách sạn nhà nghỉ theo kiểu biệt thự mini và làng văn hoá dân tộc; tiểu khu vui chơi giải trí gồm bể bơi, cầu trượt nước, thuỷ cung, nhà hát múa rối nước, rạp chiếu phim, khu cắm trại, sân bãi thể thao, đặc biệt là cáp treo du lịch qua sông Lam nối hai vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh; tiểu khu dịch vụ gồm siêu thị, nhà thuyền, bãi đỗ xe...; tiểu khu di tích thành cổ, nhà bia...
Năm 1998, là năm kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung Đô Vinh, thành phố đã hoàn thành hệ thống đường bao quanh núi dài 5km, kỳ đài trên đỉnh núi và nhà bia dẫn tích. Núi Quyết vốn có thế "long ly quy phượng" nhưng thật sự có vị trí nổi bật khi Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn làm đất đóng đô: "nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường (núi Quyết - Bến Thuỷ) hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng... thật là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy..." (trích trong chiếu của Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ngày 3 tháng 9 năm Thái Đức 11, tức 1/10/1788).
Nguyễn Huệ đã cho xây thành, dựng lầu điện tại đây. Phượng Hoàng Trung Đô được xây ở khoảng giữa núi Quyết và núi Kỳ Lân (rú Mèo), nay còn dấu tích của thành hình tam giác. Đó là thành nội, chu vi 1.680m giữa có lầu rồng ba tầng. Thành ngoại cấu tạo hình thang, chu vi 2.820m. Từ trên thành có thể nhìn thấy sông Lam, sông Vĩnh Doanh và kênh nhà Lê uốn lượn giữa cánh đồng Hưng Nguyên, Nam Đàn trải rộng. Hướng về phía đông có thể dõi về hòn Ngư, hòn Mát, cận kề với tám cảnh đẹp của Nghi Xuân (Nghi Xuân bát cảnh). Từ chân núi Quyết, du khách có thể đi thuyền xuôi sông Lam đến bãi chim Hưng Hoà, len lỏi trong rừng nguyên sinh hoặc ngược dòng sông La, con sông của niềm thương nỗi nhớ để đến với Hương Sơn, Đức Thọ...

THÀNH CỔ NGHỆ AN


Vị trí: Thành Nghệ An thuộc địa phận ba phường Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Đặc điểm: Thành Nghệ An được xây dựng năm 1804 và đã tu tạo, nâng cấp nhiều lần.

Thành Cổ Nghệ An


Thành có sáu cạnh, ba cửa; chu vi khoảng 2.400m; tường cao 4,4m; diện tích chừng 420.000m²; bao quanh là hào nước sâu chừng 3m. Trong thành phía đông có dinh tổng đốc, phía nam có dinh bố chánh, án sát, lãnh binh, đốc học; phía bắc là trại lính và nhà ngục. Toà thành là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử thời nhà Nguyễn và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.


DI TÍCH LƯU NIỆM CỤ PHAN BỘI CHÂU


Vị trí: Di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu nằm ở thôn Sa Nam, xã Đông Liệt, thị trấn Nam Đàn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. 
Đặc điểm: Khu lưu niệm trên diện tích gần 2000m². Tại đây có ngôi nhà mà cụ Phan Bội Châu đã sinh ra và sống tới năm 38 tuổi.

Công trình đã được tôn tạo để trở thành khu lưu niệm đón khách trong và ngoài nước đến thăm từ tháng 10/1990. Công trình với ngôi nhà đơn sơ ấy nhưng đã góp phần làm nên cốt cách nhà văn hoá, nhà yêu nước, nhà thơ Phan Bội Châu.

ĐỀN HỒNG SƠN


Vị trí: Đền Hồng Sơn toạ lạc trên mảnh đất đẹp, trên đường Hồng Sơn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. 
Đặc điểm: Đền được xây dựng năm 1839, thờ Quan Vân Trường. Đền đã được trùng tu nhiều lần.

Đền Hồng Sơn


Hiện tại có 19 hạng mục kiến trúc khá hoàn hảo: tường rào; cổng hồ bán nguyệt; tam quan bắc môn; nhà bia; trụ biểu; sân ngự uyển; gác chuông; lầu trống; tháp miếu; tả vu; hữu vu; 2 cung hậu hiền và hạ hiền; hạ điện; sân giữa; trung và thượng điện. Trong đền còn lưu giữ 383 hiện vật quý như tượng, câu đối, chuông, bia đá... 
Đền Hồng Sơn là một trong số công trình kiến trúc nghệ thuật và là chốn linh thiêng quý hiếm còn lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

ĐỀN CUÔNG


Vị trí: Đền nằm trên núi Mộ Dạ, một ngọn núi thuộc dãy Đại Hải, bên quốc lộ số 1A, trên địa bàn xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; cách thành phố Vinh khoảng 30km về phía bắc.
Đặc điểm: Đền thờ Thục An Dương Vương.

Ðền Cuông là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng và cũng là một danh thắng mà bất cứ ai đã đến sẽ khó quên bởi sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thoả thuận từ ngàn đời trước giữa tạo hoá và bàn tay con người.

Đền Cuông


Kiến trúc đền theo kiểu chữ "Tam".Tam quan đồ sộ, cổ kính rêu phong, cổng giữa ba lầu, chằng chịt rễ cây si leo bám càng tôn nét cổ kính của ngôi đền. Toà trung điện theo kiểu chồng diêm 8 mái, các toà khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, mà lại toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát.
Thượng điện đặt ban thờ Thục An Dương Vương, qua khoảng sân hẹp sang trung điện đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần. 
Đền Cuông có nhiều di vật quý: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí... Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức vua Thục An Dương Vương.
Đến đền Cuông là dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan, nét đẹp kiến trúc và tưởng nhớ vị vua An Dương Vương huyền thoại.


ĐỀN CỜN


Vị trí: Đền Cờn nằm trên Gò Diệc, thuộc địa phận xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; cách thành phố Vinh khoảng 75km.
Đặc điểm: Đền được xây dựng kiên cố từ thế kỷ 15, thế cận biển, kề sông, liền đường, sát núi. Đền thờ tứ vị Thánh Nương, Đế Bính, Trương Thế Kiệt và Lục Tá Phù.

Đền Cờn


Quy mô của đền tuy không lớn, chiều dài 17,4m, rộng 9,6m với ba gian 2 hồi, nhưng hội tụ nhiều nét văn hoá đương thời, từ vật liệu, kỹ thuật xây dựng đến đường nét chạm khắc, tạo hình... Tất cả cho thấy trình độ tay nghề điêu luyện của người xưa. Tại đây còn lưu giữ 142 hiện vật quý hiếm, đặc biệt có 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ là những tác phẩm nghệ thuật có niên đại từ thời Lê.
Đền Cờn, một danh thắng, một di tích kiến trúc độc đáo, một địa chỉ văn hoá tâm linh của xứ Nghệ.


KHU DU LỊCH HỒ CỬA NAM


Vị trí: Nằm cách trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An gần 1km. 
Đặc điểm: Khu du lịch hồ Cửa Nam có diện tích 14ha, phía bắc khu du lịch là quốc lộ 46, phía tây là hệ thống ao hồ, phía nam là sông Cửa Tiền tạo ra một không gian thoáng mát, hấp dẫn, thơ mộng.

Khu du lịch Hồ Cửa Nam


Khu du lịch hồ Cửa Nam bao gồm nhiều khu vui chơi giải trí như: khu vui chơi giải trí thiếu nhi, khu nhà bát giác, bến du thuyền, nhà hàng thuỷ tạ, cụm công viên sinh vật cảnh, sân chơi thể thao, bể bơi, công viên nước thu nhỏ, khu nhà nghỉ cuối tuần... 
Tại khu nhà nổi Hoa Sen, bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn Âu, Á và các món ăn đặc sản của Nghệ An với giá cả từ bình dân đến cao cấp. 
Ðể tận hưởng không khí trong lành, bạn có thể thuê du thuyền thưởng ngoạn trên hồ Cửa Nam (diện tích khoảng 10ha), bạn có thể mang theo cần câu để tham gia loại hình câu cá giải trí trên mặt hồ rộng lớn này. 
Khu du lịch hồ Cửa Nam đang được mở rộng cả về diện tích và qui mô để đến khi khu du lịch Lâm Viên Núi Quyết cách đó không xa được hoàn thành sẽ tạo nên một quần thể du lịch hấp dẫn... Khi đó nơi đây có thể tổ chức các cuộc đua thuyền, các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ trên thuyền, nhiều loại hình dịch vụ, vui chơi liên hoàn từ Lâm Viên Núi Quyết đến hồ Cửa Nam và ngược lại.


BẢO TÀNG XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH


Vị trí: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nằm ở trong khu nội thành Vinh, tỉnh Nghệ An.
Đặc điểm: Bảo tàng trưng bày các di vật và tài liệu trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tỉnh


Đây là công trình văn hoá độc đáo lưu giữ trên 5.000 hiện vật gốc và các tư liệu thể hiện tinh thần cách mạng kiên cường bất khuất của nhân dân Nghệ Tĩnh trong cao trào Xô Viết 1930 - 1931.
Bảo tàng được dựng năm 1960 trên một khuôn viên rộng, đẹp. Bảo tàng thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước.

Read more…

Những đặc sản Nghệ An mà bạn không thể bỏ qua

12:54 SA |

Những đặc sản Nghệ An mà bạn không thể bỏ qua khi dừng chân nơi đây


Nghệ An với các món ngon của mang chất riêng đặc biệt đến nỗi bất cứ ai có cơ hội được thưởng thức đều nhớ mãi không quên...

Nghệ An không chỉ nổi tiếng với các địa danh du lịch nổi tiếng như biển Cửa Lò, Làng Sen, vườn quốc gia Pù Mát... Mà còn nổi tiếng với các đặc sản sau đây:

Đặc sản Nghệ An: Cam xã Đoài

Cam Xã Đoài là một đặc sản của xã Nghi Diên còn có tên nôm là xã Đoài, thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Hương vị thơm ngon của cam Đoài gây nức lòng người thưởng thức đến nỗi nó đã trở thành một hình ảnh ngọt ngào của thơ ca.

“Cam xã Đoài mọng nước
Giọt vàng như mật ong
Bổ cam ngoài cửa trước
Hương bay vào nhà trong”

(Phạm Tiến Duật)

Cam xã Đoài trở thành một đặc sản bởi hơn hết nó có vị đặc biệt thơm ngon, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Khi trồng, người dân nơi đây phải lựa kỹ giống, cây giống được chọn lọc sạch, không sâu bệnh.

Nếu một lần đặt chân đến đây vào dịp tết Nguyên Đán, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi một thứ sắc màu tươi mới, trùng điệp bởi quả, bởi lá. Hương cam bay lan tỏa ra xung quanh, nửa như mời gọi nửa muốn níu chân người lữ khách.


Cam xã Đoài mọng nước, hương thơm ngọt ngào (Ảnh: Internet)

Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ xây xát là đã thoát một mùi thơm ngây ngất. Khi bổ ra, cam có màu vàng óng, nước cam chảy ra nhìn sánh như những giọt mật ong óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Hơn thế nữa, khi thả miếng cam vào miệng, tưởng chừng như bao vị ngọt ngào của đất trời kết tinh trong đó.

Đặc sản Nghệ An: Nhút Thanh Chương

Có lẽ, mít xanh là thứ quả gắn với tuổi thơ rong ruổi của rất nhiều người. Những quả mít non được hái xuống, rồi đem luộc, chấm với muối ớt, mặn chát, nghẹn trong cổ họng mà bao đứa trẻ vẫn khao khát và thích thú. Còn với người Thanh Chương xứ Nghệ, việc chế biến mít xanh thành món ăn như dưa muối lại là nghệ thuật vô cùng độc đáo. Món ăn làm từ mít xanh đó được gọi là nhút. Nhiều người còn coi nhút chính là một loại "kim chi" của xứ Nghệ này.

Những quả mít xanh được chế biến thành nhút (Ảnh: Internet)

Nghe nói, nghề làm nhút ở Thanh Chương có từ lâu đời, là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình. Nguyên liệu để làm nhút chỉ gồm có mít xanh và muối trắng và cách làm tương tự như nhiều món dưa muối khác ở Việt Nam.

Để làm nhút, người ta lựa những quả mít xanh, loại ương ương càng ngon rồi gọt sạch vỏ ngoài, rửa cho hết nhựa sau đó bỏ vào nong hoặc nia, dùng dao băm hoặc thái thành từng sợi. Muối được cho vào, trộn đều rồi bỏ vào cối giã sơ qua, dùng tay vò cho mềm ra. Cuối cùng mít được cho vào vại sành khoả đều trên bề mặt, đặc một chiếc vỉ lên trên, chèn đá cho nén xuống, đổ nước muối loãng vào cho ngập vỉ, đậy nắp che bụi, ủ khoảng 5-6 ngày là dùng được.

Nhút là đặc sản của xứ Nghệ (Ảnh: Internet)

Hàng ngày trong mỗi bữa cơm, người ta lấy ra bát nhút, hương vị chua chua giòn giòn, ăn thật thích thú. Nhút ăn với cơm rất hợp, chỉ cần chút nước mắm làm nước chấm là đủ.


Đặc sản Nghệ An: Tương Nam Đàn

Nếu như mảnh đất Hưng Yên nổi tiếng với thứ tương Bần thơm ngon, tinh khiết thì trên mảnh đất Nam Đàn xứ Nghệ, người ta cũng có quyền tự hào vì đã làm ra một loại tương hấp dẫn không kém.

Nguyên liệu chính để làm tương đều là những thứ gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày nhu đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước. Nếu vô tình hoặc cố ý cho thêm một thứ gì vào, chum tương sẽ bị hỏng. Để có được chum tương ngon, đòi hỏi ở người làm tương sự kỳ công, tỷ mẩn.

Tương Nam Đàn


Nếu có dịp qua mảnh đất này, bạn hãy mang về cho mình, người thân hoặc bạn bè một chút hương vị tương giản dị này nhé!

Tương Nam Đàn lại có đủ hai loại: Mặn và ngọt. Tương mặn dùng để ăn hàng ngày, còn tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ chủ yếu để đãi khách và làm quà biếu. Nghe nói, tương Nam Đàn được làm bằng thứ đỗ tương xuân hè trồng trên chính đất Nam Đàn và hưởng khí, đất đai hậu thuận lợi. Có lẽ, được sản sinh từ mảnh đất phù sa màu mỡ mà đã cho ra đời thứ đậu tương hảo hạng.


Thế mới hiểu vì sao, ở xứ Nghệ, người ta hay truyền tai nhau rằng, muốn ăn nhút Thanh Chương thì trước tiên phải tìm được tương Nam Đàn. Hai thứ ấy kết hợp với nhau thì bữa cơm dù đạm bạc đến mấy vẫn ngon đến vô cùng.


Người Nam Đàn làm tương (Ảnh: Internet)


Trong một chai tương Nam Đàn có tới ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm. Nếu có dịp qua mảnh đất này, bạn hãy mang về cho mình, người thân hoặc bạn bè một chút hương vị tương giản dị này nhé!

Đặc sản Nghệ An: Lươn Vinh

Lươn vốn là loại thủy sản nước ngọt có ở hầu hết đồng ruộng trên đất nước Việt Nam. Nhưng dưới bàn tay khéo léo cùng văn hóa ẩm thực đặc trưng của những người con xứ Nghệ, các món ngon từ lươn lần lượt ra đời và dần trở thành đặc sản, tinh hoa của mảnh đất này.


Để chế biến một món ăn ngon, khâu sơ chế lươn rất quan trọng. Người chế biến loại bỏ chất nhớt bằng nhiều kinh nghiệm khác nhau như dùng tro, giấm, nước sôi hoặc dùng một số lá có độ thô như lá tre để tuốt các chất nhờn trên da lươn. Tùy theo yêu cầu của món nấu mà có thể để nguyên con, rút xương hay cắt khúc. Khâu rút xương cũng có 2 phương pháp. Hoặc cắt khứa từ cổ rồi lạng dần xuống. Hoặc đặt thân lươn lên thớt, dùng chày gỗ dần lên, rồi lộn ngược bên trong, lạng bỏ phần xương.

Cháo lươn cũng là một đặc sản khó cưỡng.


Sau khi sơ chế xong, người ta chế biến lần lượt thành những món ăn mà món nào món nấy đều hút hồn thực khách đến nỗi phải quay lại quán biết bao nhiêu lần. Chẳng hạn như lươn om (om chuối, om lá ngải cứu, om rau ngổ, om lá lốt, om nồi đất...), cháo lươn, lươn nướng, súp lươn... Lươn nướng than hoa là một trong những món ăn được đặc biệt ưa chuông. Mùi thơm của lươn nướng bay tỏa trong không trung khiến chẳng ai có thể cầm lòng được.

Súp lươn cũng là món hấp dẫn không kém. Bát súp có lượng nước trong, ngọt, thơm, những miếng thịt lươn chín còn nguyên dạng, không nhũn nát, thấm vị và dậy lên hương đặc trưng của lươn quê. Hành lá, rau răm còn nguyên sắc xanh tươi thắm được cắt nhỏ, thả bồng bềnh trên mặt nước nóng hổi điểm nhẹ những giọt ớt đỏ. Hơi bay lên kéo theo mùi hương thơm, cay, nồng khiến chưa ăn miệng đã thấy thèm.

Đặc sản Nghệ An: Bánh bèo Vinh

Nếu như bánh bèo Huế được làm từ bột gạo thì bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người ta phải nhào bột nhiều lần cho kỹ thì mới có thể có một mẻ bánh ngon. Để bánh trông đẹp hơn, người bán hàng thường nặn bánh cho giống cánh bèo.

Bánh bèo Xứ Nghệ

Những con tôm làm nhân bánh không cần to quá nhưng phải được làm sạch chân, râu rồi phi thơm cùng hành mỡ. Được biết, tôm xào càng kỹ thì càng ngấm gia vị và khi ăn thì mới thấy thơm, thấy bùi.

Đĩa bánh bèo thường phải cho thêm hành khô và một ít rau mùi thì mới hoàn chỉnh. Với những ai thích ăn cay thì có thể cho thêm tương ớt chưng. Bỏ miếng bánh bèo vào miệng sẽ thấy được vị dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị giòn giòn của hành khô. Món bánh bèo Vình mới chỉ xuất hiện cách đây hơn chục năm nhưng nó đã trở thành một món ăn ngon, nổi tiếng của mảnh đất này.

Mực nháy nướng Cửa Lò

Món mực nháy nướng (“Mực nháy” có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi này dùng để chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên khỏi nước biển còn nguyên độ tươi và được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ khi còn tươi nguyên) ở Cửa Lò từ lâu đã hấp dẫn du khách khi đến xứ biển. Mực ở đây tươi ngon, khi mới câu lên có màu trắng trong. Sau khi sơ chế, người ta cho những con mực tươi mới ấy lên bếp than hoa rực hồng rồi nướng. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã từng công bố 10 đặc sản hải sản Việt Nam trong hành trình tìm kiếm, quảng bá đặc sản và ẩm thực Việt Nam lần thứ 1/2012 trong đó có mực nháy.

Mực nháy nướng quyến rũ bất cứ ai thưởng thức (Ảnh: Internet)

Hãy cứ thử tưởng tượng, sau khi đắm mình trong làn nước biển xanh mát, bao la, tận hưởng những cơn gió mặn mòi của biển rồi nằm dài trên chiếc ghế ở một quán ven đường, hít hà mùi thơm của mực nướng, từ từ nhâm nhi những miếng mực giòn giòn chấm với gia vị, thậm chí chỉ cần tương ớt thôi đã là quá tuyệt. Cuộc sống dường như lắng lại để con người tận hưởng hết những tinh hoa của biển cả, chỉ có gió và sóng cứ ồn ào, xô mãi không thôi.

Ngoài ra, ở Nghệ An còn có nhiều món ăn ngon như mọc cua bể, ghẹ hấp me, cá giò bảy món, cháo nghêu (Cửa Lò), bánh ngào... Mỗi món ăn đều tạo nên đặc trưng riêng của mảnh đất này.


Bánh mướt

Thoạt nhìn, bánh mướt có vẻ giống với bánh cuốn ngoài Bắc nhưng nó lại có hương vị thơm ngon rất riêng.

Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Bánh chỉ được làm bằng bột gạo tẻ - gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Bánh được làm vào những buổi sáng sớm tinh mơ. Người làm bánh phải thức dậy từ khi 2 - 3 giờ sáng để nổi nửa tráng bánh thì mới kịp bán cho khách.

Khi thưởng thức, chỉ cần chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát mỏng thế là có thể ăn đến no.

Bánh mướt Xứ Nghệ (Ảnh: Internet)

Chính người dân nơi đây cũng chẳng rõ bánh mướt có từ khi nào, chỉ biết rằng món ăn dân dã mà ngon đến lạ thường này vẫn luôn được người ta yêu mến từ thủa bé cho đến lúc trưởng thành hay già đi.

Bánh mướt vẫn luôn giữ được hồn quê dân dã (Ảnh: Internet)

Dẫu rằng chiếc bánh mướt theo thời gian đã được người ta cách điệu đi đôi phần như dùng máy để xay bột, dùng thịt heo, mộc nhĩ để làm thêm nhân... nhưng bánh mướt vẫn còn giữ được hồn quê dân dã đến kỳ lạ!

(Khampha.vn)
Read more…